Quảng cáo
Tin tức nổi bật
Căng thẳng có thể ảnh hưởng tới cơn thèm ăn của bạn
Một số người có thể mất cảm giác ngon miệng khi buồn chán, căng thẳng. Trong khi đó, một số người có xu hướng ăn nhiều hơn bình thường để làm dịu các cảm giác tiêu cực. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

Tại sao một số người mất cảm giác ngon miệng khi buồn chán, căng thẳng?
Căng thẳng dữ dội trong thời gian ngắn có thể đẩy cơ thể vào trạng thái “sẵn sàng chiến đấu” (trạng thái khi cơ thể gặp nguy hiểm). Khi gặp nguy hiểm, não sẽ sản xuất hormone ức chế cơn thèm ăn, đồng thời sản sinh adrenaline để cơ thể tập trung năng lượng vào mục đích sinh tồn.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không gặp nguy hiểm thực sự, não bộ vẫn có thể phản ứng tương tự khi gặp tình huống quá căng thẳng trong khoảng thời gian ngắn, khiến bạn mất đi cảm giác ăn ngon miệng.

Tại sao một số người ăn nhiều hơn khi buồn chán, căng thẳng?
Trong trường hợp cảm giác căng thẳng, buồn chán có xu hướng kéo dài, nhiều người sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn. Cụ thể, trong trường hợp bạn cảm thấy căng thẳng, lo lắng liên tục nhưng không cảm thấy mối nguy hiểm, đe dọa cá nhân nào sắp xảy ra.
Tình trạng căng thẳng kéo dài khiến cho não sản sinh hormone cortisol – 1 loại hormone làm tăng cảm giác thèm ăn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng căng thẳng kéo dài sẽ làm tăng cảm giác thèm các loại thực phẩm chứa nhiều calo, đặc biệt là các loại đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh…
Nhiều người cảm thấy các loại thực phẩm này có tác dụng như một “liều thuốc” giúp xua đi các cảm giác tiêu cực, giú bạn cảm thấy thoải mái hơn và tạm quên đi các yếu tố gây ra căng thẳng ban đầu.
Bạn nên làm gì?
Trong cả 2 trường hợp, căng thẳng, buồn chán chỉ gây hại tới sức khỏe, đặc biệt ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh và hệ tiêu hóa của bạn. Nếu căng thẳng dữ dội làm mất cảm giác thèm ăn, hệ thần kinh của bạn có thể bị tổn thương, cũng như việc không ăn uống có thể khiến bạn bị thiếu năng lượng, suy kiệt. Ngược lại, ăn quá nhiều các loại đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh có thể khiến bạn tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Tốt hơn hết, bạn nên có chế độ thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý bằng các biện pháp như thiền, tập thể dục, tham gia các hoạt động xã hội; có chế độ ăn uống lành mạnh cũng như nói chuyện với bác sỹ tâm lý cũng có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng căng thẳng.
Từ khóa: Căng thẳng có thể ảnh hưởng tới cơn thèm ăn của bạn
